Hà Nội phải trả giá đắt cho việc quy hoạch dễ dãi, bừa bãi

18/10/2019 - 11:38
|

Được xem là giải pháp đáp ứng nhu cầu nhà ở cho cư dân tại các đô thị đông người nhưng chung cư giờ đây đang trở thành “vấn nạn” của Hà Nội khi cấp phép quy hoạch bừa bãi và nhiều vi phạm quy chuẩn kiến trúc của các dự án.

Bức tử Hà Nội bởi những tòa nhà chọc trời

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS Hà Nội đã thay đổi diện mạo Thủ đô từng ngày. Hà Nội giờ đây là thành phố của những tòa nhà chọc trời, lộn xộn, nhấp nhô và bừa bãi.

Nhìn lại những năm cuối của thế kỷ 20, Hà Nội sở hữu tòa nhà cao nhất chỉ với 11 tầng nhưng 20 năm sau, Hà Nội đã có vô vàn bao la các tòa nhà cao cao trên 11 tầng và hàng trăm tòa nhà hàng chục tầng với chiều cao trên 100m. Những tòa nhà chọc trời bị coi là tác nhân gây nên những vấn nạn của đô thị hiện đại như giao thông ách tác, hạ tầng xã hội xuống cấp và ô nhiễm môi trường,…

Quy hoạch dễ dãi Hà Nội đang phải trả giá

Ảnh Hà Nội: Các toà chung cư "chen chân" nhau mọc lên ở phía Tây Hà Nội

Mô hình đô thị nén với sự hình thành của các tòa nhà cao chọc trời là xu hướng phát triển tất yếu của các thành phố phát triển hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà trước đó đã xuất hiện tại nhiều thành phố khác trên thế giới nhằm tối ưu hóa khai thác không gian cũng như gia tăng giá trị sử dụng đất đai. Chung cư cao tầng chính là loại hình căn hộ không thể thiếu được ở bất cứ thành phố lớn nào – nơi dân số đông đúc trong khi quỹ đất ngày càng eo hẹp.

Hậu quả mà Hà Nội đang phải gánh chịu từ ách tác giao thông, xuống cấp chất lượng sống hay ô nhiễm không khí một phần lớn nguyên nhân chính là do việc cấp phép xây dựng bừa bãi và quá trình xây dựng vi phạm những quy chuẩn cơ bản của đô thị.

Theo quy định, các khu chung cư phải cách nhau ít nhất 17 mét hoặc cách 1,5 lần chiều cao tòa nhà để tránh bóng đổ vào nhau hay tạo ra sự an toàn trước những sự cố nguy hiểm như cháy nổ,… Điều này cũng khiến các chung cư có đủ ánh sáng và gió.

Bên cạnh đó, khi xây dựng các tòa nhà cao tầng cần tránh xa các cấu trúc tự nhiên hoặc phải lùi cách tự nhiên.  Ví dụ tòa nhà phải cách bờ sông một khoảng bằng 1,5 lần chiều cao tòa nhà hay phải dành ra các khoảng đất công cộng để người dân được gần gũi, tận hưởng không gian thiên nhiên.
Tổ chức lại các khu dân cư

Một nghịch lý xảy ra khi trên thế giới, các tòa nhà biệt thự, hay nhà dân phải cách sông hồ ít nhất 100m trở lên để lấy diện tích phục vụ công cộng. Tuy vậy tại Việt Nam, đây lại là miếng đất “vàng” để xây dựng các dự án bất động sản cao cấp.

Cao ốc chen chân ở phía Tây Đường Tố Hữu - Lê Văn Lương là một trong số những tuyến đường có mật độ xây dựng nhiều nhất tại Hà Nội

Trong quá trình xây dựng suốt những năm tháng qua, Hà Nội đã bị lấy đi 94 – 95% các mặt nước và cấu trúc tự nhiên của mình. Nhiều khu đô thị kiểu mẫu như KĐT Linh Đàm trước đây đạt mật độ cây xanh là 5 – 6m2/người thì giờ đây chỉ còn khoảng 0,4m2/người, trong khi đó mật độ cây xanh trung bình hiện giờ của Hà Nội cũng chỉ đạt 0,8m2/người.

Quy hoạch bừa bãi các dãy nhà cao tầng chiếm hết mặt tiền của thành phố cũng như chặn mất nguồn năng lượng tự nhiên giúp thanh lọc không khí, mang lại nguồn sống tươi mới mà Hà Nội vốn được sở hữu. Đó chính là lú do khiến nhiệt độ thành phố tăng cao đỉnh điểm vào mùa hè ngày hôm nay. Đại đa số các tòa cao tầng ở Hà Nội được cho là vi phạm những nguyên tắc xây dựng cơ bản.

An cư lý tưởng là khi không gian đô thị chồng khít với không gian kinh tế. Do vậy cần phải tổ chức lại những khu dân cư cũng như đưa ra những giải pháp thích hợp để phát triển nhà cao tầng một cách hợp lý, để không ảnh hưởng đến không gian mở tự nhiên cũng như nguồn sống xanh của cư dân đô thị như các thành phố hàng đầu châu Á là Singapore, Hồng Kông hay Tokyo.

Theo dantri