Cách tính phí bảo hành nhà chung cư

07/08/2020 - 10:22
|

Phí bảo trì chung cư là loại phí bắt buộc đã được quy định trong Pháp luật nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người lại có tâm lý xem nhẹ, bỏ qua, dẫn đến những nhầm lẫn khi mua, thuê căn hộ. 

1. Phí bảo hành chung cư là gì? 

Phí bảo hành căn hộ chung cư, hay phí bảo trì chung cư đã được quy định rõ ràng trong Điều 108- Luật nhà ở 2014, cụ thể: “Phí bảo trì chung cư là kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của toà nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu”.

Phần chi phí này sẽ được chi trả chung cho toàn bộ chung cư khi giải quyết bất kỳ các vấn đề liên quan đến tình trạng xuống cấp, bảo trì hay bảo dưỡng, nâng cấp và xây mới phần công cộng khu chung cư. Đây là một loại phí hết sức cần thiết vì hệ thống chung cư có được thiết kế cẩn thận, tỉ mẩn và chính xác cũng không thể tránh khỏi sự bào mòn của thời gian và những tác động của con người.

Hình ảnh nhà chung cư cao tầng

Hơn nữa, chung cư là hệ thống sinh hoạt chung với số lượng lớn người sử dụng trong tần suất cao, đặc biệt là những hệ thống công cộng như thang máy, khu vui chơi, bể bơi, khu sinh hoạt chung,… Vì vậy phí bảo trì chung cư ra đời không chỉ giúp đảm bảo an toàn tối đa cho cuộc sống cư dân mà còn hỗ trợ nâng cấp, cải thiện chất lượng sống trong một thời gian dài. 

Nhìn chung, chi phí này sẽ được sử dụng vào các công việc chung thiết yếu như an ninh, lương cho ban quản lý, nhân viên vệ sinh, hệ thống chiếu sáng, đèn báo khẩn cấp, phí tiện ích các khu vực công cộng, làm đẹp cảnh quan khu dân cư, bảo dưỡng và sửa chữa các trang thiết bị công cộng như thang máy, máy bơm nước, máy phát điện,….

2. Cách tính phí bảo hành căn hộ chung cư

Tiếp tục xét theo Điều 108 – Luật Nhà ở 2014, phí bảo trì chung cư được tính bằng khoảng 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích bán hoặc cho thuê mà người mua hoặc người thuê sẽ phải đóng khi tiến hành thủ tục bàn giao công trình, và phí này sẽ được quy định rõ ràng trong hợp đồng mua, bán hoặc cho thuê.

Sau khi nghiệm thu toàn bộ phí của toàn bộ các căn hộ trong dự án, người nghiệm thu có trách nhiệm chuyển giao tổng số tiền thu được vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm của một tổ chức tín dụng xác định hiện đang hoạt động tại Việt Nam. Sau đó 1 tuần, số tiền này (bao gồm cả gốc lẫn lãi) sẽ được chuyển giao cho Ban Quản lí tòa chung cư và mọi hoạt động chi tiêu, mua bán vật dụng phục vụ mục đích bảo trì sẽ cần phải được kê khai rõ ràng và sẵn sàng công khai khi cần thiết. 

Ngoài yêu cầu bắt buộc đóng phí khi bàn giao nhà, khi ngân sách đã cạn, chủ đầu tư sẽ xem xét để thông báo tiếp tục nộp phí. 

Đặc biệt lưu ý, có rất nhiều người nhầm lẫn mục đích sử dụng phí bảo trì chung cư. Loại phí này chỉ sử dụng để bảo trì hệ thống công cộng, còn những vấn đề riêng biệt của từng căn hộ sẽ được xem xét xử lý, giải quyết dựa trên sự trao đổi và thỏa thuận giữa người mua và chủ đầu tư cùng ban Quản lí tòa nhà. 

Có thể bạn quan tâm: Những lưu ý khi nghiệm thu căn hộ chung cư

Tóm lại, phí bảo trì chung cư là một loại phí bắt buộc và đóng một phần quan trọng trong quá trình sinh hoạt tại đây. Trước khi mua hoặc thuê căn hộ chung cư, không chỉ riêng phí bảo trì, mà người mua hoặc thuê cần tìm hiểu về tất cả các loại phí khi sinh sống tại đây để giảm thiểu tối đa những nhầm lẫn không đáng có.