Cần xóa rào cản pháp lý cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam?

30/08/2022 - 16:49
|

Vấn đề người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam hiện đang mắc phải rất nhiều vấn đề trong công tác thực thi. Chính sách khuyến khích cá nhân nước ngoài mua nhà ở vì thế cũng không thể thực hiện trọn vẹn.

Điều khoản pháp luật còn nhiều bất cập 

Điều 159, thuộc Luật Nhà ở năm 2014 ghi rõ cá nhân nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam, thông qua nhận thừa thế, nhận tặng cho, thuê mua, qua mua các dự án nhà ở thương mại. 

Cùng thời điểm đó, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Điều 14 cũng quy định cá nhân nước ngoài có quyền thuê, mua các loại bất động sản, phục vụ cho mục đích sử dụng. 

Nhưng Luật Đất đai năm 2013 khi liệt kê các đối tượng có quyền sử dụng đất tại Việt Nam, lại không thống kê “người nước ngoài. Như thế có thể hiểu rằng, người nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở trong dự án, nhưng lại không được công nhận quyền sử dụng đất. 

Đây vừa là nghịch lý, vừa là “điểm nghẽn” trong hệ thống pháp luật nước ta. Chính vì yếu tố này, số lượng người nước ngoài sở hữu đất tại Việt Nam vẫn còn rất ít. Và chừng nào “điểm hổng” trong pháp luật không được chỉnh sửa, thì chừng đó chính sách khuyến khích cá nhân nước ngoài mua nhà để ở sẽ vẫn rất khó thực hiện. 

Người nước ngoài khó tiếp cận bất động sản Việt Nam do chính sách ngặt nghèo

Người nước ngoài khó tiếp cận bất động sản Việt Nam do chính sách ngặt nghèo

Theo chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản - Thạc sĩ Nguyễn Văn Đỉnh, trong trường hợp người nước ngoài mua nhà ở thương mại theo dự án, nhưng không còn nhu cầu sử dụng, muốn bán lại thì giao dịch chưa chắc đã thành công do chủ sở hữu không có quyền sử dụng đất. 

Có thể bạn quan tâm: Điều kiện người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam

Và vì lẽ đó, người mua của cá nhân nước ngoài cũng đồng thời không có quyền sử dụng đất, vì không được trao nhận quyền này từ người bán. Ngay cả khi là người Việt Nam, khi mua lại sản phẩm nhà ở thương mại từ người nước ngoài cũng vô tình trở thành điều bất khả thi. 

Nhanh chóng kết thúc “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” 

Nắm bắt được những bất cập trong việc thực hiện chính sách, Bộ Xây dựng trong Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), đã đề xuất 8 nhóm chính sách lớn. Trong đó, chính sách về sở hữu nhà ở đang rất được dư luận quan tâm. Bộ Xây dựng chỉ rõ các điều luật cần được cải thiện cho thông khớp, từ đó khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ tổ chức, cá nhân nước ngoài có đầy đủ cơ chế để mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, Luật vẫn cần đảm bảo 2 yếu tố hàng đầu: bảo đảm an ninh quốc phòng, kích thích đầu tư. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng góp phần trong sửa đổi Luật Nhà ở nhưng với quan niệm hoàn toàn khác. Bộ khẳng định rằng, việc cấp quyền sử dụng đất cho người nước ngoài tại Việt Nam là không cần thiết. Thực tế cho thấy, ở nước ta, có rất nhiều trường hợp sở hữu nhà nhưng thuộc quyền sử dụng đất của người khác, như bố mẹ cho con mượn đất, ông bà để lại đất cho con cháu,... 

Cần có sự thống nhất về mặt pháp lý, kích cầu đầu tư

Cần có sự thống nhất về mặt pháp lý, kích cầu đầu tư

Phản bác lại ý kiến trên, ông Đỉnh cho rằng việc quyền sử dụng và quyền sở hữu 1 miếng đất không đồng nhất gắn liền với quan hệ dân sinh, dân sự, dựa trên mối quan hệ tình cảm thân thiết. Khó để áp dụng tư duy này cho các sản phẩm kinh doanh nhà ở thương mại. 

Để có thể khuyến khích đầu tư, theo đa số chuyên gia, cần bắt buộc sửa đổi và đồng nhất 3 đạo luật: Luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản. Trong đó cần giải quyết gốc rễ vấn đề sở hữu nhà ở gắn liền với sử dụng đất. 

Chỉ khi các điều luật đạt tính thống nhất, cùng giải quyết 1 vấn đề chung thì khi đó các chính sách mới được triển khai đúng đắn, minh bạch và hiệu quả.