Quy trình pháp lý cơ bản cần phải thực hiện khi cho thuê nhà
Hiện nay, việc cho thuê nhà diễn ra khá phổ biến, đặc biệt tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, có nhiều người vẫn chưa nắm rõ được quy trình pháp lý cơ bản phải thực hiện khi tham gia loại hình kinh doanh này.
1. Đăng ký kinh doanh khi cho thuê nhà
Cho thuê nhà không nằm trong danh sách các hoạt động kinh doanh độc lập không cần đăng kí kinh doanh theo khoản 1 điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP. Trong quy định này, những ngành không cần đăng kí chỉ bao gồm buôn bán rong, bán vặt, bán quà ăn vặt, buôn chuyến và các dịch vụ không có địa điểm cố định.
Do đó, cho thuê nhà là một loại kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ. Vì vậy, khi tham gia hoạt động thương mại này, chủ nhà cần đăng kí kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể.
2. Hợp đồng cho thuê nhà
Lập hợp đồng cho thuê nhà là việc quan trọng và bắt buộc khi chủ nhà thực hiện hoạt động cho thuê. Các bên thỏa thuận các điều khoản và nội dung hợp đồng theo quy định tại điều 121 của luật nhà ở 2014.
Ngoài ra, theo quy định tại điều 122, hợp đồng cho thuê nhà cũng không bắt buộc đem công chứng, trừ khi các bên có nhu cầu. Thời điểm hợp đồng có hiệu lực là từ sau khi kí hợp đồng hoặc do các bên cùng thỏa thuận.
3. Các chi phí phải đóng khi cho thuê nhà
Người cho thuê nhà phải có trách nhiệm nộp 2 loại thuế bao gồm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT). Thuế được tính theo 2 trường hợp:
-
Thuế từ cho thuê tài sản: đối tượng khai thuế này là những người cho thuê tài sản có tổng doanh thu kinh doanh trong 1 năm trên 100 triệu đồng. Người cho thuê cần tự mình khai, nộp thuế theo từng hợp đồng cho thuê theo năm với mức thu là 5% cho cả 2 loại thuế GTGT và TNCN.
-
Thuế khoán: áp dụng cho các cơ sở lưu trú ngắn hạn cho khách du lịch vãng lai, dài hạn cho sinh viên, công nhân và các cơ sở dịch vụ ăn uống, giải trí có tổng doanh thu trong 1 năm trên 100 triệu đồng. Người cho thuê cần khai 1 năm 1 lần với mức thu là 5% cho GTGT và 2 % cho TNCN.
Bên cạnh đó, người cho thuê cũng nộp thêm lệ phí môn bài. Phí này cũngcần dựa theo một trong hai phương pháp tính như trên.
Với doanh thu trên 500 triệu đồng, người cho thuê cần nộp 1 triệu đồng/năm.
-
Doanh thu từ 300 triệu - 500 triệu, mức thu là 500.000 đồng/năm.
-
Doanh thu từ 100 triệu - 300 triệu, mức thu là 300.000 đồng/năm.
-
Doanh thu dưới 100 triệu thì không cần nộp lệ phí môn bài.
4. Đăng kí tạm trú, tạm vắng cho người thuê nhà
Người thuê nhà để ở cần đăng kí tạm trú tạm vắng tại Công an xã, phường nơi có nhà cho thuê tại thời điểm đó. Không có đơn mẫu cụ thể về việc thông báo lưu trú, người đăng kí cần cung cấp bản sao các giấy tờ sau:
-
Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu còn giá trị
-
Các loại giấy tờ tùy thân do các cơ quan cấp.
-
Thông tin của nhân thân đối với người thuê nhà dưới 14 tuổi.
Khi đến đăng ký tạm trú trực tiếp tại công an xã, phường, người đăng ký phải kê khai đầy đủ thông tin cơ bản như số điện thoại, thời điểm bắt đầu cư trú và dự kiến rời đi.