Hàng loạt trợ lực giúp phát triển nhà ở vừa túi tiền

24/10/2024 - 09:28
|

Tình hình thị trường bất động sản tại Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, đang gặp nhiều thách thức do sự gia tăng nhanh chóng giá nhà so với mức thu nhập trung bình của người dân. Nguồn cung các loại hình nhà ở vừa túi tiền chưa đáp ứng được nhu cầu, làm cho việc sở hữu nhà trở nên ngày càng khó khăn.

GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN TĂNG MẠNH MẼ TRONG THỜI GIAN QUA

Trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2023, giá bất động sản tại Hà Nội gia tăng trung bình 6% mỗi năm, trong khi đó tại TP.HCM là 3% mỗi năm. Trong khi thu nhập bình quân của cá nhân chỉ tăng 4% tại Hà Nội và 3% tại TP.HCM. Khoảng cách ngày càng lớn giữa giá nhà và thu nhập kéo theo việc sở hữu nhà trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, những rào cản về pháp lý và những vấn đề phát sinh từ các nhà phát triển cùng với sự chậm trễ trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cũng làm cho tình hình trở nên phức tạp.

Thị trường bất động sản bền vững thường cần sự đa dạng về các phân khúc, đặc biệt là nhà ở hạng B và C. Tuy nhiên, tại cả Hà Nội và TP.HCM, lượng cung cho các loại hình này thiếu hụt trầm trọng. Ước tính mỗi năm cần khoảng 50.000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu chủ yếu đến từ những người có thu nhập trung bình và các gia đình trẻ, nhưng điều này hiện chưa được cung cấp đầy đủ.

Nguồn cung thiết hụt, giá căn hộ tăng phi mã

Theo Ý kiến của bà Giang Huỳnh, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển của Savills, TP.HCM cùng các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Trong tương lai gần, thành phố này sẽ tiếp tục chứng kiến sự gia tăng của các dự án cao cấp, nhưng lại thiếu hụt nghiêm trọng về nhà ở giá rẻ. Trong khi đó, Hà Nội lại chủ yếu tập trung phát triển các dự án hạng B.“Việc xảy ra sự mất cân đối nảy sinh từ nhiều nguyên nhân, bao gồm quỹ đất hạn chế, chi phí đất tăng cao cùng với các thủ tục hành chính phức tạp trong việc cấp phép cho các dự án mới,” bà Giang Huỳnh cho biết.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng một phần không nhỏ các nhà đầu tư đang ưu tiên phát triển các sản phẩm nhà ở cao cấp để tối ưu hóa lợi nhuận, dẫn đến nguồn cung nhà ở phù hợp với khả năng chi trả càng trở nên khan hiếm.

Liên quan đến nhu cầu về nhà ở vừa túi tiền, trong một buổi họp với Đoàn giám sát Quốc hội, Bộ Xây dựng đã chỉ ra rằng mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát sao diễn biến thị trường bất động sản, tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Nguồn cung chủ yếu vẫn là các phân khúc cao cấp và trung cấp, trong khi đó, nhu cầu đối với nhà ở phù hợp với khả năng tài chính của người dân hoàn toàn chưa được đáp ứng.

TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN GIAO THÔNG MỚI

Trong bối cảnh này, bà Giang Huỳnh đã thông tin rằng Chính phủ đang đầu tư 6% GDP vào cơ sở hạ tầng, triển khai nhiều dự án xây dựng khác nhau như đường bộ, cầu cống, sân bay và cảng biển. Các dự án này nhằm mục tiêu cải thiện kết nối giao thông giữa các tỉnh thành, rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển, đặc biệt là từ khu vực trung tâm đến ngoại thành.

“Mô hình phát triển theo hướng giao thông công cộng (TOD), như hệ thống metro, đang chứng minh hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề giao thông và nhà ở. Bằng cách tập trung phát triển xung quanh các tuyến metro, mật độ xây dựng gia tăng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và kết nối giữa các vùng. Đồng thời, việc khai thác quỹ đất gần các tuyến metro cũng giúp giảm chi phí đầu tư, từ đó mang lại nhiều lựa chọn nhà ở giá rẻ hơn cho người dân,” bà Giang cho biết thêm.

Đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông

Ngoài ra, để giảm áp lực về quỹ đất và chi phí đô thị, Hà Nội và TP.HCM đang hướng tới việc mở rộng ra những tỉnh lân cận như Bình Dương và Bắc Ninh. Việc đầu tư mạnh vào giao thông sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi cho quá trình này, giúp các khu vực ngoại thành trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư và cư dân.

Hơn nữa, việc ban hành các quy định mới kỳ vọng tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trên thị trường bất động sản. Trong đó, để đối phó với tình trạng thiếu hụt nhà ở và ngăn chặn đầu cơ đất, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã quy định cấm phân lô đất ở tại các đô thị lớn từ ngày 31/1/2025. Tương tự, Luật Nhà ở 2023 tiếp tục tập trung vào phát triển nhà ở tại các đô thị lớn.

Tuy vậy, các chuyên gia nhận định rằng để giải quyết vấn đề nhà ở phù hợp với tài chính của người dân, cần có sự hợp tác giữa khu vực công và tư. Chỉ riêng một bên cũng không thể giải quyết vấn đề phức tạp này. Cụ thể, trong bối cảnh ngân sách nhà nước có giới hạn và lãi suất cao, việc tài trợ cho các dự án nhà ở xã hội sẽ gặp khó khăn. Đồng thời, khu vực tư nhân cũng phải đối mặt với áp lực lạm phát về chi phí, do đó, sự kết hợp hiệu quả giữa hai bên là điều cần thiết.

Vân Trang

Theo Xemnha.vn