Quảng Trị: Gần 14.400 tỷ đồng xây cảng Mỹ Thủy, khai thác 4 bến vào năm 2026
CTCP Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy vừa công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án Đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, tỉnh Quảng Trị.
Dự án đã được quy hoạch trong Hệ thống cảng biển Việt Nam theo Quyết định vào ngày 24/12/2009 và được điều chỉnh vào ngày 24/6/2014 bởi Thủ tướng Chính phủ.
Cảng Mỹ Thủy được đánh giá là một trong những dự án có vai trò quan trọng, có sức ảnh hưởng đáng kể trong quá trình phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Khi hoàn thành, khu bến cảng dự kiến sẽ tạo ra bước nhảy vọt trong việc thu hút các nhà đầu tư cho khu vực Đông Nam Quảng Trị, đồng thời thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Hiện tại, dự án đã bắt đầu khởi công từ cuối tháng 3.
Khu bến cảng Mỹ Thủy có quy mô 685 ha và nằm tại huyện Hải Lăng. Khu vực này được quy hoạch để trở thành một cảng biển lớn tại miền Trung, khai thác các lợi thế chiến lược trong lĩnh vực logistics từ hành lang kinh tế Đông – Tây, tạo động lực thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Phạm vi quy hoạch bến cảng Mỹ Thủy nằm tại địa phận xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Khu bến cảng giáp với biển Đông ở phía đông bắc, giáp đường QL 15D và Nhà máy Nhiệt điện ở phía đông nam, giáp với đường nối tới Cảng Cửa Việt ở phía tây nam và khu quy hoạch các dịch vụ hỗ trợ bến cảng ở phía tây bắc.
Tổng diện tích quy hoạch là 685 ha, trong đó 335 ha nằm trong ranh giới quy hoạch phân khu xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, giai đoạn 1 với tỷ lệ 1/2000.
Ngoài ra, 350 ha còn lại thuộc mặt nước biển đã được nghiên cứu để quy hoạch xây dựng các đê chắn sóng cùng luồng hàng hải.
Tổng diện tích đất ở của người dân liên quan đến dự án là 55,34 ha, trong đó giai đoạn 1 là 8,11 ha; giai đoạn 2 là 21,15 ha; giai đoạn 3 là 26,08 ha. Dự án sẽ thực hiện di dời và tái định cư cho khoảng 801 hộ dân.
Các công trình nhà ở chủ yếu tập trung ở khu vực ven biển phía Đông Nam và Đông Bắc, dọc các tuyến đường quốc phòng, cùng một số khu vực khác trong phạm vi dự án.
Nằm trong KKT Đông Nam Quảng Trị, dự án thuộc hành lang kinh tế Đông Tây. Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị bao gồm 16 xã và 01 thị trấn của các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Gio Linh, với tổng diện tích 23.792 ha.
KKT Đông Nam Quảng Trị được xem như một khu kinh tế biển đa ngành với vai trò là điểm phát triển kinh tế quan trọng, được đầu tư cho nhiều lĩnh vực như công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, điện năng, du lịch, thương mại và cảng biển nước sâu tại miền Trung.
Dự án cũng nằm trong hành lang kinh tế Đông Tây, kéo dài qua 13 tỉnh của 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar, với tổng chiều dài là 1.450 km. Điểm cực Tây là thành phố cảng Mawlamyine (Myanmar) và điểm cực Đông nằm ở TP Đà Nẵng (Việt Nam), là một trong 5 hành lang kinh tế thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS).
Quy mô đầu tư của dự án sẽ bao gồm 4 bến cho tàu có trọng tải 100.000 DWT, với tổng chiều dài bến đạt 1.300 m và bến cảng dài 1.341,5 m, chiều rộng 41,5 m; cùng với các kè chắn sóng dài 1.735 m, và nạo vét luồng tàu.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2024 đến 2026: giai đoạn 1 sẽ hoàn thành ít nhất 1 bến vào quý IV/2025, và hoàn thành 2 bến vào quý II/2026. Giai đoạn 1.2 sẽ đầu tư hoàn thiện toàn bộ 4 bến theo quy mô đã đề ra. Tính đến cuối tháng 8/2024, Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng đã bắt đầu thi công xây dựng kè chắn sóng phía Đông.
Các hạng mục chưa thực hiện bao gồm bến tàu, kè sau cầu bến, đê chắn sóng phía Đông, nhà điều hành tạm, hàng rào, cùng nạo vét luồng tàu. Dự kiến hoàn tất việc chọn nhà thầu vào tháng 11 tới.
Về việc giải phóng mặt bằng cho Dự án, giai đoạn 1 có tổng diện tích khoảng 134 ha. Phương án giải phóng mặt bằng đã phê duyệt cho 128 ha trong tổng số 134 ha.
Công ty đã chuyển kinh phí cho hoạt động giải phóng mặt bằng khoảng 126,26 tỷ đồng cho 128 ha đã được xác nhận, và hiện còn lại 5,5 ha chưa hoàn thành.
Đến nay, đã có quyết định giao đất cho khoảng 105 ha trong giai đoạn 1.
Công ty đang phối hợp với Hội đồng giải phóng mặt bằng, UBND huyện Hải Lăng và các đơn vị tư vấn để thực hiện quy trình thu hồi đất ở giai đoạn 1 (đợt 2) với phần diện tích bổ sung 43,44 ha và các giai đoạn 2, 3. Tổng mức đầu tư của ba giai đoạn dự án gần 14.400 tỷ đồng: giai đoạn 1 hơn 5.900 tỷ đồng; giai đoạn 2 khoảng 4.370 tỷ đồng; giai đoạn 3 4.108 tỷ đồng.
Các tuyến như QL 49C với chiều dài 23,9 km đã và đang được cải tạo. Từ thành cổ Quảng Trị đến Km23+910 giao với QL 49B thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, đoạn qua KKT Đông Nam dài 12,5 km, với mặt đường rộng 6m, nền đường mở rộng lên 25m. Ngoài ra, còn có đoạn đường ven biển qua KKT Đông Nam Quảng Trị dài 11 km, cách bờ biển khoảng 0,8 - 1 km, đoạn qua Mỹ Thủy trùng với đường bao phía Tây cảng, cách bờ biển khoảng 2,5 km.
QL 15D dài khoảng 78 km là tuyến đường nối từ cảng Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị đang trình chính phủ xin nâng cấp. Dự kiến mở rộng đoạn đầu tuyến từ biển Mỹ Thủy đến QL 1 dài 13,8 km đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với quy mô 4 làn xe. Ban Quản lý dự án cho biết, QL 15D đoạn từ QL 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây do liên doanh nhà đầu tư triển khai với chiều dài 42 km và 8 km từ QL 1 đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Đến nay, liên doanh đã đề xuất 4 phương án thiết kế thi công và lựa chọn phương án giải phóng mặt bằng đồng thời với việc xây dựng hai làn xe. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 7.409 tỷ đồng, với nguồn vốn nhà nước hỗ trợ 1.000 tỷ. Phương án xây dựng ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng khoảng 44,6 ha, với hai hầm dài 2,27 km và 2,1 km.