Nguồn cung biệt thự, liền kề mở rộng ra ven trung tâm Hà Nội
Giỏ hàng bất động sản thấp tầng tại các khu vực phía Nam và Bắc Hà Nội đang thể hiện xu hướng tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh quỹ đất tại nội thành ngày càng khan hiếm.
Trong quý III, thị trường bất động sản thấp tầng tại Hà Nội ghi nhận những cải thiện tích cực về cả nguồn cung lẫn nhu cầu đầu tư. Nhiều chủ đầu tư đã liên tục giới thiệu giỏ hàng mới, tập trung chủ yếu tại các khu vực ngoại thành.
Tại phía Bắc, hơn 200 căn nhà thấp tầng từ dự án Thanh Lâm Đại Thịnh 2 đã được mở bán tại huyện Mê Linh, với các sản phẩm chủ yếu là nhà vườn, biệt thự song lập và đơn lập được xây thô và hoàn thiện mặt ngoài. Trước đó, dự án này đã bán gần 600 sản phẩm thấp tầng. Tương tự, tại quận Hà Đông, giỏ hàng Solasta Mansion và An Quý Villa của chủ đầu tư Nam Cường cũng đã được chào bán trong quý với gần 200 căn.
Ở phía Nam, chủ đầu tư Him Lam đã mở bán hơn 150 căn liền kề và shophouse từ dự án Him Lam Thường Tín. Trong quý IV, dự án Him Lam Boulevard sẽ được giới thiệu với giỏ hàng gồm 98 căn shophouse và liền kề, tọa lạc tại trung tâm huyện Thường Tín. Dự án này nằm trên tuyến đường Lý Tử Tấn, cách Vành đai 4 khoảng 1 km và kết nối với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Theo thông tin từ đại diện Won Direct, chủ đầu tư, phần lớn sản phẩm có diện tích 75 m², mặt tiền 5 m, cao 4 tầng cộng 1 tum, với mức giá cạnh tranh trong khu vực. Dự kiến, dự án này sẽ được bàn giao vào quý III năm sau.
Theo Savills, nguồn cung nhà ở thấp tầng trong quý III đã có sự gia tăng đáng kể, chủ yếu tập trung tại các khu vực ngoại thành Hà Nội. Nguồn cung mới đã tăng 38% so với quý trước, chủ yếu đến từ các dự án đang hoạt động tại huyện Thường Tín, Mê Linh và quận Hà Đông. Trong đó, biệt thự và liền kề chiếm ưu thế, khoảng 38% trong tổng số nguồn cung sơ cấp.
Nhu cầu đầu tư đối với nhà liền thổ cũng đang có chiều hướng tích cực với tỷ lệ hấp thụ đạt 48%, tăng 30% so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái. Sự gia tăng này chủ yếu đến từ dự án Thanh Lâm Đại Thịnh 2, với 85% nguồn cung mới đã được giao dịch, chiếm 37% tổng số giao dịch của quý này. Các dự án An Quý Villa, Solasta Mansion và Him Lam Thường Tín cũng góp phần vào sự cải thiện này.
Theo Avison Young, trước bối cảnh nhu cầu gia tăng ở khu vực ven nội thành, mặt bằng giá sơ cấp cho nhà liền thổ tại Hà Nội đã tăng khoảng 5-10% trong quý vừa qua, đạt trung bình từ 5.000-7.000 USD (tương đương 125-175 triệu đồng) mỗi m². Trong các khu vực gần trung tâm, nhu cầu với biệt thự và liền kề cũng đã thúc đẩy mức giá trên thị trường thứ cấp tăng từ 5-10%.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young, nhận định rằng các dự án biệt thự và liền kề khu vực ven trung tâm đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nhờ vào vị trí thuận lợi, gần các công trình hạ tầng như đường vành đai, cầu và sân bay. Hơn nữa, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng với mục tiêu trên 50% đến năm 2030, cùng với quỹ đất ngày càng hạn hẹp trong nội thành, đã tạo áp lực gia tăng nhu cầu phát triển giao thông công cộng. Việc cải thiện hạ tầng giao thông đã ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực bất động sản nhà ở, tạo điều kiện cho xu hướng phát triển đô thị mở rộng.
Ông David cũng chỉ ra rằng, trước đây việc phát triển các dự án thấp tầng chủ yếu tập trung xung quanh khu vực Vành đai 3, nhưng hiện nguồn cung đã dần chuyển dịch sang các khu vực phía ngoài, đặc biệt là Vành đai 4. Điều này cho thấy xu hướng tương lai của loại hình bất động sản thấp tầng tại Hà Nội đang hướng tới sự phát triển ở các khu vực ngoại thành, đồng hành cùng với sự phát triển hạ tầng. Trong thời gian tới, sự mở rộng nguồn cung nhà thấp tầng sẽ tiếp tục diễn ra tại các huyện được quy hoạch lên quận, trong đó Đông Anh dự kiến sẽ chiếm phần lớn nguồn cung sắp tới, theo sau là huyện Mê Linh, Thường Tín và quận Hà Đông.
Dù nguồn cung mới đã cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu theo đánh giá của các chuyên gia. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung vẫn tiếp tục diễn ra do ngày càng ít dự án được phê duyệt mới, dẫn đến quỹ đất nội thành dần cạn kiệt, từ đó kéo theo nhu cầu và giá bán trên thị trường thứ cấp có xu hướng gia tăng.