Kịch bản thị trường bất động sản trước diễn biến dịch COVID-19
Trong tình hình trầm lắng của toàn bộ thị trường bất động sản do ảnh hưởng từ dịch Covid – 19, CBRE Việt Nam đã đưa ra hai kịch bản cho thị trường bất động sản trong buổi họp báo trực tuyến gần đây.
Rất nhiều thay đổi dồn dập trong xã hội khi dịch Covid – 19 tràn tới. 1.000 tỷ USD là sự thiệt hại của nền kinh tế toàn cầu do năng suất lao động giảm, sản xuất đình đốn, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thương mại và đầu tư giảm, ngành du lịch bị tàn phá… các chuyên gia kinh tế của Hãng tư vấn Oxford Economics lý giải. Và thị trường bất động sản không phải là ngoại lệ.
Theo CBRE (Thương hiệu hỗ trợ các dịch vụ bất động sản nổi tiếng thế giới) đã đưa ra kịch bản với thị trường căn hộ thành phố Hồ Chí Minh.
Kịch bản số 1: khi dịch Covid – 19 được kiểm soát hoàn toàn trước 6/2020
Theo CBRE, kịch bản này cho chúng ta thấy một tia hy vọng nơi cuối con đường. Thị trường bất động sản sẽ được tăng trưởng mạnh mẽ so với năm trước. Mặc dù theo số liệu hiện tại mà CBRE cung cấp thì thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh trong quý I/2020, đang có dấu hiệu xấu. Thị trường mới chỉ hấp thụ 3.757 căn hộ, 63% so với năm trước.
Nếu đại dịch được kiểm soát hoàn toàn vào tháng 6 năm nay, dự kiến thị trường sẽ nhảy vọt, tăng 5% trên toàn sàn so với năm trước. Và phân khúc được kỳ vọng tăng nhiều nhất các dự án cao cấp (5-7%), còn phân khúc tầm trung và bình dân được kỳ vọng sẽ tăng trưởng chậm hơn (1-3%).
Chính sách kiểm soát dịch một cách hiệu quá dường như biến Việt Nam trở thành vùng đất đáng mơ ước của nhiều người. Chính vì vậy nếu dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn vào tháng 6, sẽ là một cú hích cho thị trường bất động sản vực dậy
Kịch bản số 2: khi dịch Covid – 19 được kiểm soát hoàn toàn muộn nhất đến tháng 9/2020
Với kịch bản này, ta chỉ còn thấy không khí u ám của thị trường bất động sản. Do sự trầm lắng quá lâu của thị trường bất động sản nói riêng và sự trầm lắng của toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Với lệnh “cách ly toàn xã hội” 15 ngày bắt đầu từ 1/4/2020, các dự án tiếp tục phải đắp chiếu, các phiên mua bán đều phải đóng cửa để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Và điều này còn ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ, hành vi mua hàng của nhiều người. Sàn giao dịch hạ nhiệt hơn hẳn so với những tháng trước đây.
Thị trường bất động sản sẽ giảm hẳn 40% lượng căn hộ được chào bán so với cùng kỳ năm trước. Và phân khúc được kỳ vọng sẽ tăng trưởng bất ngờ ở kịch bản 1 lại trở thành phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Giá bán của phân khúc hạng sang sẽ giảm 5% do lượng hàng chào bán chủ yếu tại phân khúc tầm trung.
Phân khúc tầm trung cấp tạo sự đột phá khi chiếm phần lớn với 58% tổng nguồn cung trong quý 1/2020, tạo ra nền tảng bền vững cho thị trường bất động sản. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu khi nó đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người mua.
Và thật đáng buồn khi dự báo với kịch bản này thì lượng giao dịch sẽ giảm sâu đến 55% so với năm 2019, chỉ đạt 13.575 căn.
Để thích ứng với dịch bệnh, các nhà bán hàng cũng phải thay đổi phương thức bán hàng. Đó là phương án bán hàng trực tuyến như: bán hàng qua ứng dụng trên điện thoại, cung cấp tài liệu bán hàng trực tuyến, phim thực tế nhà mẫu,.... Ngoài thay đổi các hoạt động bán hàng, thì các hoạt động hỗ trợ sau bán hàng cũng được thay đổi để phù hợp.