Thanh Hoá chỉ đạo truy cứu trách nhiệm hình sự vi phạm tài sản công

18/11/2024 - 20:06
|

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác quản lý và sử dụng tài sản công. Tùy vào mức độ vi phạm, sẽ có các hình thức xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự phù hợp.

Theo chỉ đạo, các cơ quan thanh tra sẽ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc quản lý và sử dụng tài sản công của các tổ chức hoạt động theo pháp luật về hội trong phạm vi quản lý. Những tổ chức hội vi phạm pháp luật trong quản lý tài sản công sẽ phải chịu xử lý theo quy định như kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, tổ chức vi phạm phải bồi thường theo quy định.

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện thu hồi tài sản nhà, đất khi phát hiện sử dụng không đúng quy định về quản lý tài sản công, cũng như vi phạm pháp luật về đất đai và các quy định pháp lý liên quan khác.

Nhằm tăng cường quản lý tài sản công tại các tổ chức hội theo Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát quản lý, sử dụng và bố trí tài sản công cho các hội theo quy định của địa phương. Nếu sau khi rà soát phát hiện bất cập trong việc giao và sử dụng tài sản công, cần báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Thanh Hoá chỉ đạo truy cứu trách nhiệm hình sự vi phạm tài sản công - ảnh 1

Căn cứ vào phương án sắp xếp lại và xử lý nhà đất do các tổ chức hội lập, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện kiểm tra hiện trạng và tổng hợp ý kiến, trình duyệt các phương án sắp xếp theo quy định. Cùng với đó, việc hướng dẫn và cập nhật dữ liệu về nhà đất của các tổ chức hội vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công cũng sẽ được thực hiện đầy đủ và kịp thời.

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát việc quản lý và sử dụng đất của các tổ chức hội, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.

Đối với các tổ chức xã hội được thành lập theo quy định pháp luật về hội, cần có trách nhiệm tự đảm bảo tài sản phục vụ cho hoạt động và thực hiện việc rà soát, lập báo cáo kê khai tài sản công để đề xuất phương án sắp xếp lại và xử lý nhà đất thuộc phạm vi quản lý.

Các tổ chức hội cũng cần rà soát việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê hay hợp tác, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Toàn bộ khoản thu từ việc cho thuê và kinh doanh tài sản công sẽ phải nộp vào ngân sách Nhà nước trong trường hợp sử dụng không đúng quy định, đồng thời phải chấm dứt tình trạng sử dụng tài sản không đúng mục đích như cho thuê, cho mượn...

Ngoài việc rà soát và xử lý vi phạm, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể quần chúng thực hiện giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công do hội quản lý.

Trước đó, đã có nhiều phản ánh về việc tồn tại nhiều dự án chậm tiến độ và công trình bị bỏ hoang tại Thanh Hóa, do vướng mắc trong công tác xử lý các dự án này.

Theo báo cáo từ Sở Tài chính Thanh Hóa, sau khi rà soát và điều chỉnh theo các phương án đã được phê duyệt, tổng số cơ sở nhà, đất đã được xem xét lên tới 11.422 cơ sở. Các đơn vị đã phân loại cơ sở nhà, đất của các sở, ngành và đơn vị công lập cấp tỉnh là 364 cơ sở, trong khi cơ sở nhà đất của các huyện, thị xã, thành phố là 11.058 cơ sở. Trong năm 2023, có 10.380 cơ sở được phê duyệt tiếp tục sử dụng, 283 cơ sở chuyển giao về địa phương quản lý, 51 cơ sở bị thu hồi, 59 cơ sở tạm giữ để tiếp tục sử dụng, 270 cơ sở thực hiện điều chuyển và 379 cơ sở được bán tài sản trên đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.