Quy hoạch cảng Trần Đề - Sóc Trăng trở thành siêu cảng ĐBSCL
Với chi phí xây dựng ước tính lên đến hơn 200.000 tỷ đồng, cảng Trần Đề - Sóc Trăng được kỳ vọng sẽ góp phần “thay da đổi thịt” thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Cảng Trần Đề - tiềm năng cảng biển đặc biệt được khai phá
Cảng biển Trần đề là một trong những cảng có diện tích lớn nhất tại Việt Nam. Trong đó, chia làm các phần cụ thể như sau:
- Diện tích khu cảng: 550ha
- Cầu cảng vượt biển: 16km
- Hậu cần cảng: 4.000ha
- Cửa Mỹ Thanh với hệ thống khu công nghiệp sau cảng: 4.000ha
Định hình siêu cảng Trần Đề - Sóc Trăng
Với vị trí và tiềm năng vượt trội, cảng biển đang được định hướng quy hoạch bởi Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng công trình hàng hải, theo quyết định số 1579/QĐ-TTG, tầm nhìn 2050.
Theo đó, cảng sẽ được phát triển để trở thành cảng nước sâu, nằm tại cửa ngõ đồng bằng sông Cửu Long. Trong số 36 cảng biển hiện có nước ta, cảng Trần Đề – Sóc Trăng hiện thuộc nhóm số 5 thuộc khu vực các tỉnh Tây Nam Bộ.
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, duy nhất cao tốc đường bộ TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận đang phải gồng gánh tới 80% số lượng hàng hoá từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng gặp phải tình trạng quá tải tương tự. Trong đó, khối sản lượng vận chuyển gồm nhiều ngành mũi nhọn của nước ta, như: kim ngạch xuất khẩu gạo (95%), trái cây xuất khẩu (70%), và lượng thuỷ sản (65%). Chính vì những hạn chế trong cơ sở hạ tầng, chi phí hàng hoá thường tăng cao từ 7-10USD/tấn cho công tác vận chuyển và lưu kho.
UBND tỉnh Sóc Trăng khẩn trương giải quyết tình hình
Sau khi chính thức được phê duyệt từ Thủ tướng Chính Phủ lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng gấp rút triển khai thực hiện các thủ tục cần thiết, nhằm kêu gọi vốn đầu tư vào cảng.
Sóc Trăng kêu gọi đầu tư cảng Trần Đề
Với tổng diện tích lên đến 4.550ha, cảng Trần Đề xác định mục tiêu phát triển với các phần khu sau:
- Cảng biển ngoài khơi: 960ha
- Khu vực dịch vụ bao gồm hậu cần, cảng logistics, cảng hỗ trợ hàng hoá trung chuyển: 4000ha
- Cầu nối cảng: 16 - 18km
- 15 cầu cảng
- Đê chắn sóng: 8.3km
Chính vì diện tích rộng và triển khai đồng thời nhiều nhiệm vụ trọng yếu, cảng Sóc Trăng có thể tiếp nhận nhiều loại tàu, như tàu container (tải trọng 100.000 DWT trở lên), tàu hàng rời (160.000DWT), tàu tổng hợp,...
Với khả năng trung chuyển lớn, cảng Trần Đề không chỉ đảm nhận phần hàng hoá vùng đồng bằng sông Cửu Long, mà còn thu hút tối đa đầu tư và các cụm công nghiệp, khu chế xuất trong vùng. Cảng Trần Đề đáp ứng kịp thời nhu cầu về hạ tầng, giảm áp lực hệ thống đường bộ. Bên cạnh đó, cảng còn là tuyến trung chuyển quan trọng hỗ trợ vận chuyển than cho các trung tâm điện nhiệt.
Ngoài ra, cảng còn kết nối với hàng loạt tuyến quốc lộ quan trọng: quốc lộ 91, quốc lộ 91C, quốc lộ 1,... cùng nhiều tuyến đường được chuẩn bị thi công như: cầu đường bộ Đại Ngãi, cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau,...
Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng - ông Lâm Hoàng Nghiệp đã cho biết, hiện quy hoạch chi tiết phát triển vùng, cảng nước đã hoàn tất, sẽ sớm được trình lên Bộ Giao thông vận tại, và cuối cùng đợi phê duyệt từ Chính Phủ.
Có thể thấy, cảng Trần Đề trong tương lai khi đi vào hoạt động, sẽ mang tới tác động không nhỏ đến vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Dự án trực tiếp giải quyết những vấn đề còn tồn đọng về trung chuyển hàng hoá, và đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư hấp dẫn cho khu vực.
Đỗ Linh
Theo Xemnha.vn