Nhanh chóng nới room tín dụng cho thị trường bất động sản

30/08/2022 - 22:31
|

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng phải khẩn cấp nới "room" tín dụng để dòng tiền được lưu chuyển mạnh mẽ trong thị trường. Đợi đến khi các nút thắt pháp lý được tháo gỡ sẽ làm đà phát triển thần tốc cho giai đoạn tiếp theo.

Những bài toán tín dụng mang tính thách thức lớn

Tồn tại thực trạng siết tín dụng quá lâu trên thị trường bất động sản

Trong một buổi chia sẻ gần đây, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết ông rất quan ngại về việc siết tín dụng quá lâu. Nếu vậy thị trường bất động sản có nguy cơ sẽ giống Trung Quốc. Tức là phải cung cấp "phao giải cứu" với "bơm tiền" để vực dậy thị trường. 

Các đơn vị địa ốc còn tồn đọng nợ lẫn nhau

Ông Lực cho hay tình trạng tồn đọng nợ giữa các doanh nghiệp địa ốc còn diễn ra khá nhức nhối. Từ đây dẫn đến việc xoay dòng vốn bị chậm khiến các dự án gặp bế tắc, dang dở, tính thanh khoản giảm, nợ xấu tăng cao kéo theo đà phục hồi kinh tế cũng sẽ suy giảm đáng kể.

Cũng được chia sẻ từ vị chuyên gia này, dư địa cho vay địa ốc vẫn còn, nhất là ở phân khúc thiếu nguồn cung, điển hình như nhà ở. Nếu muốn thị trường phát triển vẫn có khả năng nhưng phải kiểm soát rủi ro chặt chẽ. 

Tín dụng địa ốc bị siết chặt 

Một chia sẻ khác đến từ Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cùng nằm trong Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia chỉ ra điểm hay ở đối với thị trường địa ốc Việt Nam. Đó là có nguồn vốn đến từ việc trả trước một phần của khách hàng. Chính điểm hay này sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển ổn định và an toàn khi phía ngân hàng siết chặt tín dụng bất động sản. 

Tuy nhiên nguồn vốn được trả trước này cũng đang phải đối mặt với 2 thách thức lớn. Thứ nhất, một phần không nhỏ của nguồn vốn xuất phát từ tín dụng ngân hàng. Mà ngân hàng hiện tại lại đang khan hiếm hạn mức cho vay. Thứ hai, giá bán bất động sản bị thổi lên quá cao so với vốn ban đầu nên nhiều nhà đầu tư không dám bỏ tiền ra vì sợ thua lỗ nếu bất động sản giảm giá. Bên cạnh đó, ông Lê Xuân Nghĩa còn cho biết thêm nhiều tập đoàn sản xuất và xây dựng hiện nay đang có dòng tiền âm kéo dài, gây chậm trễ tiến độ thi công dự án, hệ quả nhận được cuối cùng đó là nguồn cung thấp hơn nguồn cầu. 

Khẩn cấp nới "room" tín dụng bất động sản

Tiến sĩ Cấn Văn Lực đưa ra thời điểm “vàng” để nới room tín dụng

Theo quan sát, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho thấy dòng vốn trung hạn và dài hạn chảy vào các ngân hàng ngày càng mạnh mẽ. Nhất là vào các tháng 6, tháng 7 và tháng 8. Cùng với đó tỷ trọng vốn ngắn hạn và trung hạn đã được cải thiện rõ rệt. Vì thế chuyên gia này nhận định đã đến lúc cần nới room tín dụng để các doanh nghiệp giải quyết các bài toán liên quan đến tiền. Tháng 9 là thời điểm thích hợp nhất để triển khai nới room tín dụng. Nếu để đến quý 4 có thể sẽ bị mất nhiều cơ hội quý báu. 

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cũng có đồng quan điểm. Ông chia sẻ thêm nếu room tín dụng nâng lên 15%-16% vẫn chấp nhận được. Bên cạnh đó cần nhanh chóng xây dựng đạo luật về trái phiếu doanh nghiệp để những đơn vị đang gặp khó khăn ở kênh này xử lý vướng mắc kịp thời. 

Tiến sĩ này nhấn mạnh từ nay đến hết năm phải ra được Nghị định 153 sửa đổi về việc phát hành trái phiếu. Đồng thời khuyến khích những tập đoàn lớn phát hành trái phiếu. Những đơn vị nào còn dư nợ trái phiếu hoặc trong thời gian đáo hạn cần lên phương án chi trả nhanh chóng bằng cách phát hành trái phiếu hoặc bán những tài sản, dự án xây dựng dang dở.

Trích theo ý kiến của Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, bên cạnh việc nới room tín dụng cho thị trường bất động sản có đà phục hồi cần có kế hoạch xếp hạng tín dụng doanh nghiệp nhằm thu hút nguồn vốn trung - dài hạn. Các doanh nghiệp không nên mạo hiểm với những khoản vay có lãi suất cao. Hạn chế bán ra các dự án đang có để trả nợ trái phiếu vì ít nhiều sẽ gây suy giảm uy tín. Mặt khác nhanh chóng đăng ký xếp hạng tín nhiệm và bảo mật thông tin.