Kết luận NHNN tại hội nghị về tín dụng Bất động sản sáng nay

08/02/2023 - 14:59
|
Nội dung bài viết [ Mở rộng]

Sáng 08/02, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản với sự tham gia của đại diện Hiệp hội bất động sản Việt Nam - VNREA và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – HoREA cùng đại diện 20 doanh nghiệp bất động sản trên toàn quốc.

Tại Hội nghị, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đối với các dự án, phương án vay vốn được xem xét khả thi vẫn được các tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho vay theo đúng quy định.

Hội nghị tín dụng Bất động sản

Ảnh: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản

Thị trường bất động sản có nhiều nguồn vốn bao gồm vốn tự có của doanh nghiệp, vốn của người mua nhà, vốn phát hành cổ phiếu và trái phiếu, vốn trực tiếp của nhà đầu tư hay vốn tín dụng của ngân hàng.

Thời gian qua, những diễn biến tiêu cực trên thị trường cùng với những khó khăn của doanh nghiệp đã ảnh hưởng lớn tới ngành ngân hàng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước luôn phải theo dõi các diễn biến đối với tín dụng bất động sản, đồng thời điều chỉnh các chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm mang lại sự an toàn cho hệ thống ngân hàng và góp phần phát triển môi trường kinh tế lành mạnh, bền vững.

Theo thống kê, đến cuối năm 2022, có khoảng 2,58 tỷ đồng dư nợ bất động sản, tăng 24,27% so với thời điểm cuối năm 2021. Bất động sản là một trong những lĩnh vực có dư nợ tín dụng tăng trưởng cao nhất, chiếm hơn 21,2% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tín dụng bất động sản chủ yếu đến từ nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng. Trong đó, kinh doanh bất động sản là 31.28%, tăng 11.5% so với trước đây. Dư nợ tín dụng tiêu dụng chiếm 68.72%, tăng 31.1% so với thời kỳ trước.

Xét theo phân khúc bất động sản, dư nợ tín dụng đối với nhà ở chiếm tỷ trọng cao nhất là 62.19%, quyền sử dụng đất chiếm 20.66%, khu công nghiệp và chế xuất chiếm 2.67% nhà ở xã hội chiếm 0.71% và các phân khúc còn lại chiếm 13.77%.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi theo quy định dù dư nợ tín dụng bất động sản vẫn đang tăng trưởng cao. 

Thời gian sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có những điều chỉnh về chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và vướng mắc cho các doanh nghiệp bất động sản cũng như các tổ chức cá nhân khi tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để các ngành, kinh tế khác phát triển ổn định và bền vững.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống khung pháp luật đối với tín dụng và hoạt động ngân hàng để phù hợp với tình hình thực tế cũng như tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn.

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng cần phải tăng trưởng tín dụng một cách an toàn, hiệu quả. Tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án bất động sản khả thi, có khả năng hoàn thành sớm, pháp lý hoàn chỉnh cũng như có khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn... Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần tiết giảm chi phí hoạt động và thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nghiệp vụ để hạn chế nợ xấu.

Các tổ chức tín dụng cũng cần kiểm soát cẩn thận và chi tiết rủi ro khi cấp tín dụng bất động sản đối với phân khúc bất động sản cao cấp do phân khúc này đang thừa nguồn cung, thiếu thanh khoản, đồng thời kiểm soát mức độ tập trung tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, có liên quan đến cổ đông lớn của các tổ chức tín dụng…. nhằm mang lại sự an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các Bộ, ngành nhằm hoàn thiện các quy định pháp ký để hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững.

Hiện nay, khó khăn của thị trường bất động sản chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý, thủ tục đầu tư và nguồn vốn trái phiếu. Do đó, để tháo gỡ các khó khăn này, không chỉ Ngân hàng Nhà nước mà các Bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp cần phải cùng nhau quan tâm và triển khai “giải cứu” đồng bộ.