Hà Nội: Giá bán trung bình chung cư là 64 triệu đồng/m2
Tại buổi họp báo công bố tình hình thị trường bất động sản Hà Nội quý 3/2024, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao của CBRE chi nhánh Hà Nội, đã khẳng định rằng thị trường chung cư Hà Nội tiếp tục ghi nhận những dấu hiệu khả quan.
MỚI MỞ BÁN GẦN 8.230 CĂN HỘ
Bà An đã đưa ra số liệu đáng chú ý tại quý 3/2024, cho thấy nguồn cung mở bán chung cư tại Hà Nội đạt xấp xỉ 8.230 căn, gần tương đương với lượng mở bán của quý trước. Tính tổng cộng 9 tháng đầu năm 2024, thị trường đã cung cấp hơn 19.000 căn hộ chung cư, vượt qua tổng nguồn cung của năm 2023.
"Đây được coi là số lượng chung cư mới lớn nhất tại Hà Nội trong vòng 5 năm qua. Nguồn cung mở bán chủ yếu đến từ 11 dự án, tập trung các đại đô thị ở phía Tây và phía Đông thành phố. Trong số đó, có 5 dự án được mở bán lần đầu, hầu hết nằm ở quận Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Gia Lâm cùng với huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên)", đại diện từ CBRE cho biết.
Tuy nhiên, phân khúc chung cư cao cấp chiếm hơn 75% tổng nguồn cung mới. Cụ thể, chỉ có 2 dự án chào bán với mức giá từ 50-60 triệu đồng/m2, trong khi các dự án còn lại có giá khởi điểm trung bình trên 60 triệu đồng/m2. Thị trường chung cư Hà Nội quý 3/2024 còn đón nhận sự xuất hiện của một dự án hạng sang tại quận Tây Hồ.
Bà An cũng nhấn mạnh rằng thanh khoản trên thị trường chung cư Hà Nội là một điểm sáng nổi bật. Với nguồn cung mở bán lớn, sức mua thị trường rất khả quan. Tổng số căn hộ đã được giao dịch vượt mốc 8.000 căn, giảm 20% so với quý trước do nhiều dự án đồng loạt mở bán trong quý 2 và 3, nhưng vẫn cao gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái.
“Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều chủ đầu tư đã nhanh chóng đẩy mạnh tiến độ mở bán. Một số dự án đã bán hết quỹ căn trong quý này và đã bắt đầu mở booking cho các tòa tiếp theo. Điển hình là một số dự án khác đang tích cực đẩy nhanh tiến độ mở bán trong năm 2024, thay vì phải chờ đến năm sau,” bà An cho biết. Ngoài ra, giá bán chung cư tại Hà Nội tiếp tục có xu hướng tăng ở cả hai thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Tại thị trường sơ cấp, giá bán trung bình chung cư Hà Nội đang giữ mức 64 triệu đồng/m2, chỉ thấp hơn 3% so với mức giá trung bình tại TP. HCM. So với quý trước, giá đã tăng 8,7% và 26% theo năm. Điều này được lý giải bởi nguồn cung mới bị hạn chế trong nhiều năm, dẫn đến sức mua tăng và kéo theo mức giá bán tăng. Bên cạnh đó, quỹ căn mở bán bao gồm nhiều dự án chất lượng tốt, trong các khu đô thị đầy đủ tiện ích, có vị trí thuận lợi kết nối đến trung tâm và các khu thương mại.
Còn tại thị trường thứ cấp, giá bán trung bình duy trì đà tăng từ quý trước, đạt 46 triệu đồng/m2, tăng 5,5% theo quý và gần 26% theo năm. Xu hướng tăng giá thứ cấp của chung cư Hà Nội vẫn tiếp diễn và hiện chỉ cách mức giá thứ cấp của TP.HCM khoảng 2 triệu đồng/m2. Trong quý này, các dự án chung cư đã hoàn thiện với cộng đồng dân cư đông đúc ghi nhận mức tăng giá thứ cấp rất khả quan.
MẶT BẰNG GIÁ BÁN SƠ CẤP TIẾP TỤC TĂNG CAO
Dự báo cho quý cuối năm 2024, bà An cho biết sẽ có thêm hơn 10.000 căn mở bán mới, tổng cộng trong năm 2024 sẽ đạt gần 30.000 căn, gấp ba lần số căn mở bán năm 2023. Tuy nhiên, một phần lớn nguồn cung này sẽ tập trung ở phân khúc cao cấp. Với nhiều dự án hạng sang được triển khai, giá bán sơ cấp dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong quý cuối năm. Mức giá thứ cấp cũng có khả năng tăng trong bối cảnh nguồn cung sơ cấp duy trì phong phú, nhưng mức tăng sẽ ổn định hơn.
Ngoài ra, chuyên gia cũng chỉ ra rằng một số yếu tố trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản tổng thể. Việc thông qua các bộ luật mới có thể tạo điều kiện thúc đẩy nguồn cung khi pháp lý được giải quyết, vì trong vài năm qua, vấn đề pháp lý của nhiều dự án bất động sản đã trở thành điểm nóng. Các vấn đề nổi cộm bao gồm xác định tiền sử dụng đất, phê duyệt đầu tư dự án và đấu thầu dự án.
Kể từ năm 2019, việc phê duyệt pháp lý cho các dự án đã bị siết chặt, cùng với hoạt động thanh tra được tăng cường, dẫn đến một số dự án gặp bế tắc, làm giảm nguồn cung nhà ở. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2023, cả nước có khoảng 1.200 dự án bất động sản và nhà ở thương mại bị nghẽn chủ yếu do các vấn đề pháp lý.
Do đó, nếu các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực thi được triển khai đồng bộ và khả thi, nhiều vướng mắc pháp lý liên quan đến hàng trăm dự án bất động sản có thể được giải quyết.
Song song đó, “các dự án giao thông được đẩy mạnh thực hiện sẽ làm giảm thời gian di chuyển giữa các khu vực, đồng thời bất động sản sẽ được hưởng lợi. Tiềm năng phát triển không chỉ ở các khu vực hiện tại mà còn mở rộng ra ngoài các đô thị. Tuy nhiên, chúng ta cần thừa nhận rằng các dự án giao thông thường là những dự án dài hạn”, bà An chia sẻ.