Động lực đưa Liên Chiểu trở thành khu vực kinh tế trọng điểm

04/12/2024 - 08:49
|

Đà Nẵng - Liên Chiểu đang tận dụng vị trí địa lý của mình để trở thành quận kinh tế trọng điểm, tập trung vào phát triển cảng biển và khu thương mại tự do.

Liên Chiểu là một trong những quận lớn nhất Đà Nẵng, sở hữu bờ biển dài 26 km với nhiều bãi tắm nổi tiếng như Nam Ô, Xuân Thiều và Bắc Ninh. Nơi đây không chỉ thuận lợi cho du lịch mà còn đang khai thác những tiềm năng về giao thông, kết nối với các khu công nghiệp lớn, với ba trụ cột chính là công nghiệp, cảng biển và dịch vụ du lịch.

Cảng Liên Chiểu đang được xây dựng là cảng nước sâu loại I, có vai trò quan trọng trong việc kết nối với hành lang kinh tế Đông Tây và là cửa ngõ của miền Trung Việt Nam. Dự án này khởi công vào tháng 12/2022 với diện tích 450 ha và tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới hơn 48.304 tỷ đồng. Cảng sẽ được triển khai theo ba giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên chiếm 44,6 ha, dự kiến hoàn thành vào năm 2025, trong khi hai giai đoạn tiếp theo có diện tích lần lượt 106,81 ha và 80,7 ha, dự kiến hoàn thiện vào năm 2030 và 2050.

Động lực đưa Liên Chiểu trở thành khu vực kinh tế trọng điểm - ảnh 1

Khi đi vào hoạt động, cảng Liên Chiểu dự kiến sẽ tạo ra giá trị kinh tế khổng lồ, ước tính hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm thông qua việc thu thuế và phí hàng hải.

Tính đến tháng 9/2024, khối lượng thi công của dự án Cảng Liên Chiểu đã hoàn thành khoảng 67%.

Ngoài cảng Liên Chiểu, khu vực này còn dự kiến sẽ phát triển khu thương mại tự do đầu tiên tại Việt Nam. Tháng 6/2024, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc tổ chức chính quyền đô thị và một số cơ chế đặc thù nhằm phát triển Đà Nẵng. Khu thương mại tự do này sẽ được đặt tại khu vực phía Tây Bắc Đà Nẵng, gắn liền với cảng biển Liên Chiểu, nhằm thu hút đầu tư trong các lĩnh vực tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Một trong những khu vực đáng chú ý là dự án lấn biển gần đường Nguyễn Tất Thành với chức năng khu dịch vụ logistics, chiếm khoảng 420 ha.

Đến năm 2030, khu thương mại tự do dự kiến sẽ đóng góp từ 1% đến 2% tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của Đà Nẵng và tạo ra khoảng 21.000 việc làm. Đến năm 2040, tỷ lệ này sẽ tăng lên 9,5% GRDP với 90.000 lao động, và đến năm 2050, dự kiến sẽ đóng góp 17,9% GRDP và tạo việc làm cho 127.000 lao động.

Động lực đưa Liên Chiểu trở thành khu vực kinh tế trọng điểm - ảnh 2

Theo đánh giá từ Sở Du lịch TP Đà Nẵng, việc thành lập khu thương mại tự do này sẽ mở ra cơ hội để Đà Nẵng trở thành cửa ngõ quốc tế, phát triển mạnh mẽ du lịch tại Việt Nam. Hiện tại, chính quyền TP đang chuẩn bị hồ sơ đề án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong tháng 12/2024.

Khu vực thương mại tự do sắp xây dựng gần đường Nguyễn Tất Thành được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường GRDP của thành phố Đà Nẵng, với tỷ lệ kỳ vọng lên tới 17,9%.

Chưa dừng lại ở đó, Liên Chiểu còn đang đầu tư phát triển công nghiệp mạnh mẽ. Khu công nghiệp Liên Chiểu với quy mô gần 290 ha được xem là một trong những khu công nghiệp quan trọng tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp khác như Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Hòa Cầm đang biến Tây Bắc thành phố thành một "thung lũng silicon".

Chuyên gia đánh giá rằng khu thương mại tự do mới tại Đà Nẵng sẽ kết nối chặt chẽ với cảng Liên Chiểu, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cùng các khu công nghiệp, từ đó thúc đẩy sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp và dịch vụ logistics, tạo nên trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế. Điều này sẽ thu hút một lượng lớn lao động chuyên gia đến làm việc và sinh sống tại đây.

Sự phát triển đồng bộ trong lĩnh vực du lịch, công nghiệp, khu thương mại tự do và cảng Liên Chiểu đang mở ra nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản tại quận Liên Chiểu, thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, khu thương mại tự do thế hệ mới tại Đà Nẵng có mối liên hệ mật thiết với cảng Liên Chiểu và sự bứt phá của thị trường bất động sản tại khu vực Tây Bắc.