Doanh nghiệp toàn cầu ưu tiên sản xuất xanh

14/11/2024 - 20:30
|

Các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu đang chuyển hướng sản xuất và áp dụng năng lượng tái tạo với mục đích giảm thiểu khí thải carbon, hướng đến mục tiêu Net Zero.

Chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững đang trở thành xu hướng quan trọng tại Việt Nam và trên thế giới. Theo báo cáo từ McKinsey vào cuối năm 2022, doanh thu từ các sản phẩm có phát thải ròng bằng 0 có khả năng đạt 12.000 tỷ USD mỗi năm từ năm 2030, điều này cho thấy tiềm năng cực lớn cho các doanh nghiệp toàn cầu trong việc khám phá các giải pháp xanh và bền vững.

Trong bối cảnh này, nhiều quốc gia đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó Việt Nam cũng nằm trong số đó. McKinsey ước tính rằng để theo đuổi mục tiêu này, sẽ cần khoản đầu tư lên tới 9.200 tỷ USD hàng năm cho đến năm 2050, trong đó 6.500 tỷ USD dành cho các tài sản phát thải thấp và cơ sở hạ tầng hỗ trợ như nhà máy, hệ thống máy móc, xử lý chất thải và năng lượng sạch.

Theo khảo sát của McKinsey, 92% lãnh đạo từ hơn 1.100 doanh nghiệp cho biết họ đang hướng tới giải quyết vấn đề phát triển bền vững ở một mức độ nhất định vào năm 2026, trong khi 42% cho biết họ dự kiến đưa nguyên tắc bền vững vào trung tâm chiến lược doanh nghiệp. Điều này nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của "xanh hóa" trong nền kinh tế hiện đại.

Nhiều tập đoàn lớn đã chủ động đổi mới sản xuất theo hướng bền vững, có thể kể đến Apple, đơn vị dẫn đầu trong bảng xếp hạng thân thiện với môi trường năm 2024 với doanh thu 274,9 tỷ USD từ phát triển bền vững, chiếm gần 70% tổng doanh thu. Kể từ năm 2015, công ty đã giảm hơn 55% khí thải trong khi doanh thu vẫn tăng 64%. Apple đã thúc đẩy năng lượng tái tạo và tính tuần hoàn của vật liệu bằng cách khử carbon trong chuỗi cung ứng và yêu cầu 320 nhà cung cấp cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho sản phẩm của họ, đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo để đạt 100% điện sạch vào năm 2030.

Tesla cũng nổi bật với doanh thu bền vững ước tính 81,5 tỷ USD. Năm 2023, toàn bộ doanh thu của Tesla đến từ các sản phẩm và dịch vụ bền vững, với 1,81 triệu xe điện tiêu thụ.

Sự chuyển dịch theo đuổi mô hình xanh còn kéo theo sự hình thành các khu công nghiệp sinh thái (EIP) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững thông qua nhiều giải pháp về năng lượng và môi trường. Kalundborg (Đan Mạch) là một ví dụ điển hình về EIP, nơi 16 doanh nghiệp phối hợp trên nguyên tắc tối ưu hóa nguồn lực, biến chất thải của doanh nghiệp này thành nguyên liệu cho doanh nghiệp khác, như nhiệt thừa từ nhà máy điện được cung cấp cho các nhà máy khác.

Ulsan (Hàn Quốc) là một khu công nghiệp sinh thái tiên phong trong việc áp dụng các tiêu chuẩn năng lượng sạch và chia sẻ tài nguyên để phát triển bền vững, nơi có nhà máy sản xuất ô tô của Hyundai và nhiều cơ sở khác. Các mô hình tương tự cũng đã phát triển tại nhiều quốc gia khác như Chonburi (Thái Lan), Nanning (Trung Quốc) và Sitra (Phần Lan).

Việc chuyển đến các mô hình công nghiệp này giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Các quốc gia cũng đưa ra chính sách thúc đẩy "xanh hóa", tạo đà cho sự tăng trưởng kinh tế trong thời đại mới.

Doanh nghiệp toàn cầu ưu tiên sản xuất xanh - ảnh 1

Việt Nam, đồng hành cùng xu hướng toàn cầu, đã cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 và xem công nghiệp là trụ cột cho phát triển kinh tế. Việc chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái đã trở thành lựa chọn tất yếu. Chính phủ đã cụ thể hóa các tiêu chuẩn cho mô hình này thông qua các nghị định.

Công ty Cổ phần Prodezi Long An và nhà phát triển Hướng Việt (HVH) đã chủ động quy hoạch khu công nghiệp sinh thái đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long. Khu công nghiệp sinh thái Prodezi (Prodezi EIP) có quy mô 400 ha, tọa lạc tại huyện Bến Lức, Long An, cách TP Hồ Chí Minh chỉ 5 phút di chuyển qua tuyến đại lộ Lương Hòa - Bình Chánh (đang trong quá trình xây dựng).

Chủ đầu tư Prodezi cho biết, mô hình công nghiệp sinh thái được phát triển dựa trên nhận định về xu hướng chuyển mình của thế giới. Ngày nay, các doanh nghiệp FDI ngày càng chú trọng tới các yếu tố ESG và phát triển bền vững, với nhu cầu ngày càng cao về việc dịch chuyển tới những "vùng xanh" nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh. Việt Nam đang có ưu thế về chi phí nhân công cũng như các chính sách hỗ trợ, điều này khiến EIP trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Khu công nghiệp sinh thái tại Long An cam kết thực hiện và phát triển bền vững thông qua bốn trụ cột chính: sử dụng năng lượng tái tạo, tái chế và tái sử dụng nước, phát triển các tòa nhà và kho bãi đạt chứng nhận xanh, và hình thành nền kinh tế tuần hoàn. Nguồn năng lượng chính cho toàn khu sẽ được cung cấp từ năng lượng mặt trời, cùng với pin lưu trữ và điện từ EVN.

Nhà máy xử lý nước thải đầu tư có công suất lớn đạt 13.000 m3/ngày. Tất cả nước sau quy trình xử lý sẽ được tái sử dụng cho các mục đích khác nhau. Đồng thời, khu công nghiệp cũng sẽ thu trữ nước mưa để phục vụ cho tưới tiêu. Ngoài ra, chủ đầu tư sẽ chú trọng phát triển bền vững thông qua tái chế nguyên liệu và giảm phát thải, với kế hoạch công khai báo cáo về phát triển bền vững ESG hàng năm.

Prodezi EIP có quy mô bao gồm 289 ha dành cho đất công nghiệp, kho bãi và nhà xưởng, cùng với 17 ha dành cho đất thương mại và dịch vụ, trong đó hơn 30% tổng diện tích được bao phủ bởi cây xanh và mặt nước, tạo không gian sống hòa hợp với thiên nhiên.

Với quy hoạch này, Prodezi EIP mong muốn thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, với quy trình sản xuất sạch và thân thiện môi trường, tập trung vào các lĩnh vực như dệt may, lắp ráp ô tô, điện tử và logistics.

Doanh nghiệp toàn cầu ưu tiên sản xuất xanh - ảnh 2

Để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở, mua sắm, giải trí, và chăm sóc sức khỏe cho lãnh đạo, chuyên gia, và người lao động tại khu công nghiệp, chủ đầu tư còn phát triển khu đô thị sinh thái liền kề. Khu đô thị sinh thái LA Home có quy mô 100 ha với các loại hình nhà phố, biệt thự bên kênh và shophouse. Mật độ xây dựng ước tính khoảng 30%, với không gian sống hòa quyện với thiên nhiên nhờ quy hoạch độc đáo.

Dự án cũng bao gồm công viên trung tâm 2,2 ha, cùng 7 dòng kênh xanh nguyên bản, và hệ thống cây xanh cộng mặt nước lên đến 8 ha, tạo nên không gian sống phù hợp và cân bằng cho cư dân. Với mô hình khu đô thị - công nghiệp sinh thái được tích hợp, Prodezi EIP kỳ vọng sẽ thu hút làn sóng đầu tư FDI "xanh" trong thời gian tới.