Đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm công nghệ cao, kinh tế biển

21/11/2024 - 09:26
|

Đà Nẵng đang nỗ lực phát triển thành phố theo mô hình đa cực, chuyển mình từ mô hình đô thị đơn cực. Với tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng hướng đến việc trở thành trung tâm công nghệ cao và kinh tế biển, đồng thời hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics quan trọng tại miền Trung.

Chính phủ mới đây đã thông qua Nghị quyết 169/NQ-CP, khởi động chương trình hành động nhằm phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, với tầm nhìn xa đến năm 2045. Nghị quyết này đặt mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm kinh tế biển quốc gia, đồng thời phát triển thành đô thị biển quốc tế và điểm đến du lịch lớn, gắn liền với kinh tế biển.

Đáng chú ý, Nghị quyết còn yêu cầu cần tập trung xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế tầm khu vực, hình thành khu phi thuế quan và khu thương mại tự do. Ngoài ra, thành phố còn hướng tới phát triển các dịch vụ công nghệ thông tin, y tế và giáo dục - đào tạo chất lượng cao, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc phát triển đô thị hiện đại.

Mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển, Đà Nẵng hiện đang là địa phương đầu tiên tại Việt Nam thực hiện nghiên cứu thành lập Khu thương mại tự do theo chỉ đạo của Nghị quyết 136. Chính sách này hứa hẹn sẽ tạo ra bước đột phá cho thành phố trong việc thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất và thúc đẩy phát triển thương mại cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế khác.

Việc hình thành Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng gắn liền với kế hoạch phát triển Cảng biển Liên Chiểu và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Sân bay Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và hoạt động logistics tại địa phương.Đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm công nghệ cao, kinh tế biển - ảnh 1

Cảng Liên Chiểu, với dự kiến đầu tư lên đến 52.000 tỷ đồng, sẽ là yếu tố quyết định trong việc thiết lập Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng. Cảng không chỉ thúc đẩy kinh tế biển mà còn cung cấp dịch vụ logistics cho các khu công nghiệp công nghệ cao và khu thương mại. Hiện tại, thành phố đang nỗ lực đẩy nhanh công tác xây dựng hạ tầng cho Cảng biển Liên Chiểu và thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Theo nhận định của các chuyên gia, sự hình thành của Khu thương mại tự do sẽ tạo nền tảng vững chắc, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ vào thành phố và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Sự kiện này sẽ kích thích sự phát triển hạ tầng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng từ trong và ngoài nước đến Đà Nẵng.

Chính quyền Đà Nẵng đang tiến hành khảo sát, chọn vị trí cho các khu chức năng của Khu thương mại tự do. Đồng thời, thành phố cũng đang làm việc với các nhà đầu tư chiến lược và chuẩn bị hồ sơ Đề án Khu thương mại tự do Đà Nẵng để trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12/2024.

“Việc triển khai thí điểm khu thương mại tự do sẽ mở ra cơ hội cho việc phát triển chuỗi sản phẩm dịch vụ cao cấp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch, giúp Đà Nẵng trở thành cửa ngõ quốc tế, trung tâm tăng trưởng du lịch của Việt Nam,” Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, Tán Văn Vương nhận định.

Tính đến đầu năm nay, Đà Nẵng đã đón gần 9,3 triệu lượt khách, tăng 31,7% so với năm trước. Trong số đó, khách quốc tế đạt khoảng 3,5 triệu lượt, và khách nội địa đạt 5,8 triệu lượt, tương ứng với mức tăng trưởng 31,2% và 32,0%. Dự đoán, kết thúc năm 2024, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ thu hút khoảng 10,3 triệu lượt khách, đạt 118% so với 2019, đồng thời đem lại doanh thu khoảng 38 nghìn tỷ đồng - tăng 178% so với thời kỳ đỉnh cao.

Ngành du lịch tăng trưởng mạnh mẽ cũng đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế Đà Nẵng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, GRDP thành phố ước tăng 6,5%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt khoảng 21.064 tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Thành quả này được cho là nhờ nỗ lực đầu tư và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng từ thành phố và các doanh nghiệp.

Sự phát triển của ngành du lịch cùng với những tín hiệu tích cực từ việc hình thành Khu thương mại tự do và Cảng Liên Chiểu đang kích thích nhu cầu đầu tư bất động sản tại Đà Nẵng. Theo báo cáo gần đây từ DKRA Consulting, thị trường căn hộ Đà Nẵng và khu vực lân cận trong quý III/2024 diễn ra sôi nổi, với nhiều giao dịch tập trung vào phân khúc căn hộ hạng A.

Báo cáo từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng khẳng định thị trường Đà Nẵng trong 9 tháng đầu năm có dấu hiệu tích cực. Đặc biệt, phân khúc căn hộ sơ cấp ghi nhận mức giá bán tăng hơn 50% trong số nguồn cung mới có giá từ 80 triệu đồng/m2, với tỷ lệ tiêu thụ rất cao.

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dự báo, thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai khi các quy định pháp lý được cải cách, dòng kiều hối tăng lên. Đặc biệt, những tác động từ hạ tầng, Khu thương mại tự do, Cảng Liên Chiểu và Khu công nghiệp cao sẽ tạo "đòn bẩy" mạnh mẽ cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.