6 thành phố trên thế giới đối mặt rủi ro bong bóng bất động sản
Giá bất động sản đã tăng liên tục trong thời gian dài, đẩy Miami, Los Angeles, Geneva, Zurich, Toronto và Tokyo vào tình trạng rủi ro bong bóng bất động sản, theo nhận định từ Ngân hàng UBS.
Theo báo cáo về Chỉ số Rủi ro Bong bóng Bất động sản tại 25 thành phố lớn, 6 thành phố đang phải đối mặt với mối đe dọa này. Trong số đó, Miami đứng đầu bảng xếp hạng với 1,79 điểm, trong khi Los Angeles chiếm vị trí thứ 4 với 1,17 điểm. Nguy cơ bong bóng cũng được ghi nhận tại Geneva, Zurich (Thụy Sĩ), Toronto (Canada) và Tokyo (Nhật Bản).
Năm nay, danh sách các thành phố có nguy cơ bong bóng tăng thêm 4 cái tên so với năm trước, bao gồm Zurich và Tokyo. Sau một năm, chỉ số rủi ro này cho thấy sự thay đổi, khi xu hướng giá bất động sản ở Mỹ gia tăng, trong khi châu Âu lại sụt giảm, còn châu Á - Thái Bình Dương giữ ổn định. Tại Mỹ, giá căn hộ liên tục leo thang do lãi suất cho vay thế chấp tăng cao, dẫn đến tình trạng người sở hữu không muốn bán nhà, từ đó gây ra thiếu hụt nguồn cung.
UBS mô tả "bong bóng" bất động sản là hiện trạng mà giá trị tài sản chưa phản ánh đúng tiềm năng thực sự trong thời gian dài. Biểu hiện rõ nét của tình trạng này bao gồm sự chênh lệch lớn giữa giá bán và thu nhập của người dân, cộng với tình trạng cho vay và xây dựng vượt mức, dẫn đến sự mất cân bằng trong nền kinh tế.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng nhiều thành phố đã chứng kiến sự gia tăng giá bất động sản trong 4 quý qua, trong đó Dubai dẫn đầu với mức tăng vượt 15%. Miami, Amsterdam và Tokyo đều ghi nhận mức tăng gần 10%. Các thành phố như Vancouver, Sydney và Madrid có giá nhà tăng khoảng 5%. Song song đó, giá thuê cũng tăng thêm 5% trong hai năm qua, vượt xa tỷ lệ tăng trưởng thu nhập trung bình của người dân.
Theo UBS, giá căn hộ 60 m2 tại hầu hết các thành phố trong danh sách đang vượt qua khả năng chi trả của người có thu nhập trung bình. Tại Hong Kong, ngay cả những người có thu nhập gấp đôi mức trung bình cũng gặp khó khăn để sở hữu một căn hộ có diện tích tương tự.
Mặc dù giá nhà đang tăng, không phải thành phố nào cũng trải qua diễn biến này theo cùng một cách. Báo cáo cho biết "mức giao dịch tại nhiều khu vực đã giảm xuống đáy trong năm nay", tụt trung bình 15% so với giữa năm 2022 - thời điểm mà lãi suất bắt đầu leo thang mạnh mẽ trên toàn cầu. Đặc biệt, giá nhà ở Frankfurt, Munich, Stockholm, Hong Kong và Paris đã giảm hơn 20% so với thời điểm cao nhất trước đại dịch Covid-19. "Nhu cầu đầu tư suy giảm tại nhiều thành phố đang làm gia tăng nguy cơ điều chỉnh giá, ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng tăng trưởng lâu dài," báo cáo nhấn mạnh.