Dòng vốn đầu tư “chảy mạnh” vào vùng ven biển Thanh Hoá

03/12/2024 - 10:45
|

Thanh Hóa sở hữu vùng biển rộng lớn với diện tích khoảng 17.000 - 18.000km2, gấp 1,6 lần so với diện tích đất liền. Đường bờ biển kéo dài 102km hình cánh cung, với 7 cửa lạch và 2 đảo lớn là Hòn Nẹ và cụm đảo Hòn Mê. Nơi đây có nhiều bãi biển tuyệt đẹp, bờ cát thoai thoải, điều kiện lý tưởng cho việc phát triển du lịch biển, tiêu biểu như đô thị du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Linh Trường (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa, Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn) và Tiên Trang (huyện Quảng Xương).

Khu vực ven biển của Thanh Hóa còn có khu kinh tế Nghi Sơn, một trong 8 khu kinh tế trọng điểm quốc gia, với cảng nước sâu Nghi Sơn có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 70.000DWT. Bên cạnh đó, vùng biển ngoài khơi cũng đủ khả năng phục vụ các tàu lớn với trọng tải vượt trên 200.000DWT.

Các lợi thế này tạo điều kiện cho Thanh Hóa phát triển đa dạng các ngành kinh tế biển, đặc biệt là du lịch biển, công nghiệp ven biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản.

ĐẦU TƯ HẠ TẦNG, PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN

Trong nhiều năm qua, Thanh Hóa đã nỗ lực thu hút đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, nhằm tạo “đòn bẩy” cho sự phát triển kinh tế biển.

Từ năm 2019 đến nay, Thanh Hóa đã thực hiện 17 dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch với tổng kinh phí trên 10.500 tỷ đồng. Trong số này, 9 dự án đã hoàn thành và 8 dự án đang trong quá trình triển khai. Các khu du lịch biển tại tỉnh hiện có khoảng 780 cơ sở lưu trú với tổng 35.300 phòng, cùng 320 cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống ẩm thực đáp ứng khoảng 36.200 chỗ ngồi, phục vụ tốt nhu cầu của du khách.

Thanh Hóa đã hoàn thành một số công trình thủy lợi trọng điểm như dự án nạo vét sông Lạch Trường từ cầu Tào đến cửa Lạch Sung, xử lý sạt lở bờ biển Sầm Sơn, và phát triển 4 dự án cảng cá, khu neo đậu tránh bão.

Dòng vốn đầu tư “chảy mạnh” vào vùng ven biển Thanh Hoá - ảnh 1

Hiện tại, tỉnh đang thực hiện 3 dự án lớn, gồm: Kè chống sạt lở bờ biển xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương; kè chống sạt lở và nạo vét tiêu thoát lũ khu kinh tế Nghi Sơn; dự án khu neo đậu tránh bão cho tàu cá cửa Sông Lý, huyện Hoằng Hóa.

Đặc biệt, tuyến đường dài 2,1km nối các khu du lịch ven biển Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, vừa có chức năng như một đê chắn sóng, vừa là động lực thúc đẩy du lịch biển tỉnh Thanh Hóa phát triển.

Các hạ tầng tại khu kinh tế Nghi Sơn cũng được đầu tư mạnh mẽ. Từ năm 2018, nhiều công trình quan trọng như nạo vét luồng tàu vào bến cảng Nghi Sơn, cải thiện dòng chảy sông Tuần Cung, và mở rộng các tuyến giao thông trục chính khu kinh tế đã đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa hiện có 12 cụm công nghiệp khu vực ven biển với tổng diện tích 363,8 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2.823 tỷ đồng, trong khi luỹ kế vốn đầu tư đạt hơn 1.075 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các cơ sở chế biến hải sản với quy mô lớn với công suất vượt 20.000 tấn nguyên liệu mỗi năm, qua đó tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Đầu tư vào kinh tế hàng hải cũng được chú trọng tại Thanh Hóa, hiện có 35 cầu cảng, bến phao và khu neo đậu có tổng chiều dài lên đến 5.343m.

Cảng Nghi Sơn hiện có 25 bến đang hoạt động, có khả năng tiếp nhận dịch vụ cho các tàu trọng tải lên đến 70.000DWT. Từ năm 2020, cảng Nghi Sơn đã thu hút 2 hãng tàu lớn là CMA, CGM (Pháp) và Công ty Vận tải biển VIMC (Việt Nam), tổng lượng container qua cảng đạt 7.209 container.

XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHO DU LỊCH BIỂN

Ngành du lịch nghỉ dưỡng biển đã tạo nên bức tranh kinh tế biển tại Thanh Hóa thêm phần năng động và hiện đại.

Dòng vốn đầu tư “chảy mạnh” vào vùng ven biển Thanh Hoá - ảnh 2

Từ 2019 đến 2023, số lượng khách tham quan các khu du lịch biển đạt hơn 31 triệu lượt, với tốc độ tăng trưởng 6,5% mỗi năm. Tổng doanh thu từ du lịch ở các khu này ước khoảng 56.352 tỷ đồng, tăng trưởng 16,6% hàng năm.

Trong năm 2024, Thanh Hóa ước đạt 15,3 triệu lượt khách, vượt 10,9% kế hoạch, tăng 22,5% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 719.000 lượt, tăng 16,7%. Tổng thu từ du lịch dự kiến đạt 33.815 tỷ đồng, vượt 4,4% kế hoạch và tăng 38% so với năm trước, nhiều sự kiện du lịch đặc sắc đã được tổ chức thành công tại các khu du lịch biển.

Hoạt động thu hút đầu tư cho du lịch cũng được đẩy mạnh, đã gọi vốn được 58 dự án với tổng vốn đăng ký gần 120.000 tỷ đồng, nhiều dự án cung cấp dịch vụ chất lượng cao như khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân, Flamingo Linh Trường Khu B và khu phức hợp khách sạn tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương.

Xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc

Công tác phát triển thủy sản bền vững và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ được Thanh Hóa đặc biệt chú trọng, nhằm tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân hoạt động tại khu vực này.

Hiện nay, tỉnh có khoảng 24.800 lao động tham gia vào khai thác thủy sản, với tổng sản lượng thủy sản năm 2024 ước đạt 216.500 tấn, tương đương 101,17% kế hoạch và tăng 100,3% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 74.500 tấn, đạt 100% kế hoạch, và sản lượng khai thác 142.000 tấn, đạt 102,5% kế hoạch.

Hoạt động đầu tư vào nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ tại tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, với diện tích nuôi tôm chân trắng đạt 700 ha, tăng 400 ha so với năm 2018. Diện tích nuôi thâm canh và ứng dụng công nghệ cao đạt 150 ha, năng suất đạt từ 30-50 tấn/ha/vụ, tổng sản lượng đạt 12.000 tấn. Thanh Hóa hiện có 3.654 ô lồng nuôi cá biển tập trung tại các xã ven biển như thị xã Nghi Sơn và xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, với sản lượng đạt trên 1.500 tấn mỗi năm.