Những rủi ro cần biết khi nhờ người đứng tên mua nhà

19/12/2019 - 08:24
|
Nội dung bài viết [ Mở rộng]

Rất nhiều người do tin tưởng người thân hoặc bạn bè có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản nên đã quyết định nhờ họ đứng tên mua nhà đất hộ. Tuy nhiên, điều này lại mang đến những sự cố, tranh chấp không mong muốn nếu không có hợp đồng chặt chẽ.

Nhờ người đại diện, người thân đứng tên giùm

Nhiều người khi xem xét mua nhà, do đặt niềm tin vào bạn bè hoặc thậm chí cả người thân trong gia đình vào việc đứng tên mua nhà, cho đến khi mọi việc vỡ lở ra thì mất cả tiền lẫn tình thân. Một trong những rủi ro lớn nhất khi nhờ người khác mua nhà đất hộ là người chủ thực sự không thể định đoạt tài sản của mình mà phải thông qua người đứng tên, dẫn đến một số trường hợp bị chiếm đoạt tài sản.

Nếu người đứng tên trên sổ đỏ chết, tài sản đó theo quy định của pháp luật sẽ là di sản của người đã chết và được phân chia cho những người hưởng quyền thừa kế. Một rắc rối nữa là người nhận thừa kế không xác nhận việc đã nhờ đứng tên trước đó.

Hoặc khi ly hôn, người vợ hoặc chồng yêu cầu phân chia tài sản chung do tài sản này xuất hiện trong thời kỳ hôn nhân thì việc xác minh tài sản cho chủ sở hữu thực sự rất khó khăn, tốn nhiều thời gian, tiền bạc và sức lực vì phải giải quyết qua nhiều công đoạn, thủ tục phức tạp.

Một rủi ro khác là khi các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định kê biên tài sản để thực hiện nghĩa vụ, người chủ thực sự sẽ bị mất tất cả quyền lợi đáng lẽ thuộc về mình.

Tranh chấp nhà đất

Vì vậy, để tránh những rủi ro trên, trong trường hợp nhờ người mua nhà, chủ tài sản cần có các văn bản yêu cầu người thứ ba xác nhận và sau khi giao dịch chuyển nhượng thành công cần giữ bản đăng ký sở hữu tài sản. Người chủ và người đứng tên cũng cần hoàn tất các  hợp đồng đặt cọc, cam đoan sẽ bán lại cho chủ sở hữu với mức giá và thời điểm đạt được sự đồng thuận, nhất trí của hai bên. Ngoài ra, nếu đang trong thời gian chưa chuyển nhượng, chủ sở hữu muốn sử dụng, sinh hoạt trong ngôi nhà thì cần người đứng tên ký kết hợp đồng quản lý, sử dụng.

Sau khi có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, cả hai bên cần tới các văn phòng công chứng để xác minh hợp đồng mua bán, làm các thủ tục chuyển đổi tên trên giấy chứng nhận sở hữu nhà ở.

Mặc dù có những biện pháp để phòng tránh rủi ro khi nhờ người đứng tên hộ, nhưng xét về mặt pháp lý, hành động này là trái với quy định của pháp luật theo Khoản 16, điều 3, luật đất đai 2013. Vì vậy, người mua nhà cần cân nhắc kỹ càng, đảm bảo các thủ tục, chứng từ trước khi nhờ bạn bè hoặc người thân mua hộ nhà để tránh những trường hợp đáng tiếc.